Sở hữu một chiếc xe điện đang trở thành xu hướng nhờ sự tiện lợi và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng xe điện đúng cách để tối ưu tuổi thọ ắc quy. Bài viết này sẽ chỉ ra 3+ thói quen phổ biến mà nhiều người mắc phải, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ xe máy và xe đạp điện.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu để bảo vệ xế yêu của bạn một cách tốt nhất!
1. Để ắc quy cạn kiệt năng lượng mới sạc
Khi để ắc quy ở trạng thái cạn kiệt thường xuyên, quá trình xả sâu sẽ khiến các tấm cực bên trong bị ăn mòn nhanh hơn, làm giảm hiệu suất tích trữ điện năng trong những lần sạc sau.
Ngoài ra, có nhiều trường hợp người điều khiển rơi vào tình huống xe điện đang đi bị dừng giữa đường do hết sạch điện đột ngột. Không chỉ gây bất tiện trong di chuyển mà còn tiềm ẩn rủi ro về an toàn, nhất là khi phương tiện dừng lại giữa đường đông hoặc di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu.
Kinh nghiệm: Bạn nên sạc khi ắc quy còn khoảng 20–30% dung lượng. Cách sạc này không chỉ an toàn hơn mà còn giúp duy trì số chu kỳ sạc-xả tối ưu, kéo dài tuổi thọ cho ắc quy, từ đó tiết kiệm được đáng kể chi phí bảo dưỡng và thay thế trong tương lai.
2. Sạc ắc quy nhiều lần trong ngày
Thói quen cắm sạc xe bất cứ khi nào có thể, dù chỉ vừa mới đi được vài cây số, cũng là nguyên nhân âm thầm rút ngắn tuổi thọ ắc quy. Mỗi lần cắm sạc – dù ngắn hay dài – đều được tính là một phần của chu kỳ sạc.
Khi xe sạc ngắt quãng quá nhiều lần trong ngày, ắc quy sẽ nhanh chóng đạt đến giới hạn chu kỳ (do nhà sản xuất quy định), từ đó làm giảm đáng kể hiệu năng tích trữ điện.
Kinh nghiệm: Chủ phương tiện nên xây dựng thói quen sạc 1 lần/ngày hoặc khi thực sự cần thiết, ưu tiên sạc đầy trước khi sử dụng và để ắc quy nghỉ ngơi sau khi sạc xong.
3. Bỏ quên xe điện dưới thời tiết khắc nghiệt
Nhiệt độ môi trường tác động rất lớn đến hiệu suất hoạt động và độ bền của ắc quy. Nếu thường xuyên để xe tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt, nhiệt độ thân xe có thể tăng lên đáng kể khiến phản ứng hóa học trong ắc quy đẩy nhanh một cách bất thường. Từ đó, ắc quy sẽ gặp hiện tượng quá nhiệt, phồng rộp hoặc thậm chí chập cháy.
Vào mùa hè, nhiều trường hợp xe sạc ngoài trời trong thời gian dài bị cháy nổ vì không thể thoát nhiệt kịp thời. Khi sự cố xảy ra, chủ phương tiện không chỉ phải đối mặt với rủi ro an toàn mà còn mất thêm nhiều chi phí như giá sửa chữa hoặc thay thế ắc quy, giá cục sạc xe máy điện thay mới,…
Kinh nghiệm: Bạn nên ưu tiên đỗ xe ở nơi râm mát, có mái che. Nếu không thể, hãy dùng bạt chuyên dụng để che chắn xe, đặc biệt vào buổi trưa hoặc ban đêm trời lạnh.
4. Thường xuyên chở quá tải trọng cho phép
Xe điện – đặc biệt là xe đạp điện – được thiết kế với tải trọng giới hạn theo quy định của pháp luật và theo tiêu chuẩn kỹ thuật từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, không ít người dùng có thói quen chở vượt quá tải trọng, thậm chí gấp rưỡi mức cho phép.
Khi điều này diễn ra thường xuyên, ắc quy sẽ phải hoạt động với công suất cao hơn để cung cấp đủ năng lượng cho động cơ, làm tăng nhiệt và giảm đáng kể tuổi thọ các linh kiện điện.
Kinh nghiệm: Tải trọng trung bình khuyến cáo đối với xe đạp điện là khoảng 40 – 80kg, trong khi xe máy điện có thể chịu tải khoảng 80 – 180kg tùy vào mẫu mã và hãng sản xuất. Bạn nên tuân thủ giới hạn này để đảm bảo tuổi thọ cho cả ắc quy và động cơ, tránh phát sinh chi phí sửa chữa không đáng có.
Ắc quy là “trái tim” của một chiếc xe điện, vì vậy việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp bạn kéo dài tuổi thọ và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Ngoài ra, cần lưu ý tránh xa các thói quen xấu như sạc khi cạn kiệt, sạc quá nhiều lần trong ngày, để xe dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc chở quá tải trọng để tiết kiệm chi phí sửa chữa phương tiện lâu dài.